Những tưởng cao điểm hè sẽ là cơ hội để ngành hàng không, đường sắt phần nào hồi phục, tuy nhiên, tất cả đảo lộn khi đợt dịch thứ 4 ập đến.
Ngành hàng không, đường sắt cũng đang “đứng ngồi không yên” trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 những ngày qua. Ảnh minh họa: Tạ Hải
“Kỳ nghỉ đông” dài nhất lịch sử
Tiếp viên Phan Thị Như Phú chia sẻ, hơn một năm qua, chị và nhiều tiếp viên hàng không phải trải qua kỳ “nghỉ đông” dài nhất lịch sử. Những tiếp viên hàng không phải tạm thời nghỉ luân phiên như chị Phú và đồng nghiệp rất nhiều.
Đoàn trưởng Đoàn Tiếp viên Vietnam Airlines Phan Ngọc Linh chua xót: “Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trở lại, số chuyến bay giảm sốc. Chúng tôi có 3.173 tiếp viên, nhưng thời điểm này, chỉ có 10% trong số này thực sự được bay”.
Khảo sát của PV Báo Giao thông tại CHK quốc tế Nội Bài những ngày qua, số lượng hành khách sụt giảm đáng kể. Trong ngày 17/5, cảng chỉ đón có 9.000 lượt khách (bằng 1/9 ngày cao điểm và chỉ bằng 1/5 so với ngày thường).
Tác động mạnh nhất của Covid-19 lên hoạt động của ngành hàng không, không đâu rõ rệt bằng hình ảnh chia sẻ màn hình Flighradar24 (ứng dụng theo dõi thời gian thực thông tin chuyến bay trên bản đồ) của một kiểm soát viên không lưu.
“Hình ảnh chụp màn hình lúc 17h ngày 17/5 cho thấy trên bầu trời chỉ có hơn chục chuyến bay. Thông thường, tại một thời điểm ở Vùng thông báo bay Việt Nam (FIR VIETNAM) có khoảng 150 chuyến bay”, một nam kiểm soát viên không lưu nói.
Tổng thư ký Hiệp hội Hàng không VN Bùi Doãn Nề chia sẻ, diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 những ngày qua khiến các hãng hàng không đang “đứng ngồi không yên”.
“Hai tháng trước, chúng tôi dự báo năm 2021 doanh thu các hãng hàng không vẫn tiếp tục giảm sâu so với năm 2019 và lỗ trên 15.000 tỷ đồng từ vận tải. Dù hiện chưa có thêm thống kê, nhưng chắc chắn con số này có thể sẽ tăng nhiều nếu dịch không sớm được kiểm soát”, ông Nề nói.
Cục trưởng Cục Hàng không VN Đinh Việt Thắng cho biết sẽ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất để gỡ khó cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, thời điểm này cả nước khó khăn, không riêng gì doanh nghiệp hàng không, do đó tất cả đều phải cố gắng cầm cự.
Dừng nhiều đoàn tàu, lao động nghỉ luân phiên
Tương tự, ngành đường sắt vừa tiếp tục thông báo dừng chạy thêm một đôi tàu tuyến Bắc – Nam vì Covid-19 diễn biến phức tạp, tuyến hiện chỉ còn hai đôi tàu Thống Nhất. Trước đó, hàng loạt đoàn tàu chạy nhiều tuyến khác cũng đã dừng hoạt động.
Ông Nguyễn Viết Hiệp, Tổng giám đốc Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội cho biết, năm 2020, đơn vị phải giải quyết tạm hoãn hợp đồng lao động (HĐLĐ), nghỉ ngừng việc do thiếu việc làm bình quân 645 người/tháng; Chấm dứt HĐLĐ với 280 người. Quý I/2021, bình quân 550 người/tháng tạm hoãn HĐLĐ, nghỉ ngừng việc; chấm dứt HĐLĐ với 66 người.
Kể từ đợt bùng phát dịch đầu năm 2021 đến nay, do không có nguồn hỗ trợ, công ty chỉ trả lương ngừng việc đối với người lao động phải ngừng việc do chịu ảnh hưởng trực tiếp của dịch bệnh phải cách ly y tế. Còn lại công ty thỏa thuận tạm hoãn HĐLĐ, nghỉ không hưởng lương.
Ông Đào Anh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn cho biết, từ năm 2020 đến hết quý I/2021 đã có hơn 200 lao động xin nghỉ việc.
Năm 2020 đã có 180 lao động chấm dứt HĐLĐ ở tất cả các đơn vị, trong đó đông nhất là ở khối phục vụ trên tàu – Đoàn Tiếp viên đường sắt Phương Nam với tổng số 79 người, Xí nghiệp Toa xe Sài Gòn 73 người. Sang đến quý I năm nay, đã có 33 lao động chấm dứt HĐLĐ.
- Bất động sản ven biển và sự dịch chuyển của làn sóng đầu tư
- Nhà đầu tư tìm kiếm dự án bất động sản tiềm năng
- Chủ tịch FPT “khoe” công ty tạo ra 200 triệu phú đô la khi lên sàn, lái xe cũng có tiền cho con đi du học
- Những doanh nghiệp đang sống tốt, sống khỏe qua mùa dịch
- Nghi ngờ có nhiều nguồn lây COVID-19 ở Đà Nẵng
Để lại một bình luận